Tại buổi xin lỗi đại diện Cơ quan điều tra và đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận chia sẻ, việc ông Võ Tê bị khởi tố và tạm giam oan đã gây tổn thất tinh thần và vật chất cho ông và gia đình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi trong quá trình bị tạm giam và trong cuộc sống tại địa phương…
Cơ quan điều tra và VKSND hai cấp tỉnh, huyện đã nhận thức được đầy đủ những thiếu sót và hậu quả do người thi hành công vụ gây ra. “Thay mặt cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra và VKSND) cấp tỉnh và cấp huyện, tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến ông Võ Ngọc cùng gia đình, người thân và mong ông và gia đình hãy tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi này. Mặc dù lời xin lỗi của chúng tôi không bù đắp được những tổn thất, mất mát mà ông và gia đình phải gánh chịu, đặc biệt là ông Võ Tê, người bị khởi tố tạm giam đã không còn nữa….”, Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an Bình Thuận nói lời xin lỗi.
Qua buổi xin lỗi, Cơ quan tố tung các cấp thừa nhận sai sót và từ vụ việc này rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tiến hành tố tụng. Đồng thời phải thận trọng khách quan, chấp hành nghiêm pháp luật để không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Vụ việc xảy ra từ 42 năm trước. Theo đó, vào ngày 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh (sinh năm 1954) vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về nhà. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện bà Khanh nằm chết ở đồi dốc gần rẫy bắp thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận).
Ngày 1/8/1980, Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án giết người, cướp của và bắt tạm giam ông Võ Tê. Quá trình điều tra, căn cứ vào chứng cứ, kết quả khám nghiệm hiện trường… cơ quan điều tra không đủ cơ sở buộc tội ông Võ Tê phạm tội “giết người cướp của”. Sau 152 ngày bị bắt giam oan, ông Võ Tê được trả tự do. Năm 1994, 13 năm sau ngày bị khởi tố, bắt giam oan, ông Võ Tê qua đời ở tuổi 62, nhưng vẫn mang thân phận bị can giết người.
Đồng thời Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, trinh sát, xác minh đối tượng, hung thủ thực sự của vụ án. Trong quá trình xác minh, Cơ quan điều tra nhận được nhiều đơn tố giác đối tượng liên quan đến vụ án đó chính là Trương Đình Chi. Trong đó có đơn tố giác của anh Đỗ Thanh An, con trai nạn nhân.
Từ lúc bà Khanh bị sát hại, anh Đỗ Thanh An, khi đó mới chỉ là một đứa trẻ (nay đã 49 tuổi) đã tự thu thập, điều tra, bỏ ra hàng chục năm trời lần theo dấu vết hung thủ Trương Đình Chi. Chính anh An là người xác định được đối tượng Chi trốn về quê vợ ở Quy Nhơn (Bình Định) nhập hộ khẩu nhà cha vợ rồi thay tên đổi họ từ Trương Đình Chi (SN 1956) thành Lê Minh Sơn (SN 1954).
Anh An đã làm đơn tố cáo tới Cơ quan Công an, Công an Bình Thuận lập tức cử trinh sát đến Bình Định. Tuy nhiên, người đàn ông tên Lê Minh Sơn và vợ đột nhiên biến mất.
Ngày 4/4/1999, Công an tỉnh Bình Thuận ban hành thông báo truy tìm số 206 kèm ảnh đương sự Lê Minh Sơn… do không tìm được Lê Minh Sơn nên sau đó cơ quan điều tra có quyết định đình chỉ.
Ngày 16/11/2021, Cơ quan Điều tra ra quyết định phục hồi điều tra và cho ra kết luận vào ngày 5/1/2022. Theo kết quả điều tra, đầu năm 1980, Trương Đình Chi (thường gọi Mười Chi, tên khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn) cùng vợ con về xã Tân Minh, huyện Hàm Tân sinh sống. Do không có nhà ở nên gia đình ông Chi ở nhờ tại nhà vợ chồng ông Phan Thanh, gần nhà bà Phan Thị Khanh (chị ruột ông Thanh).
Biết bà Khanh có vàng trong người, chiều 31/7/1980, Chi đến khu vực rẫy của bà Khanh và giật lấy vàng của bà. Bà Khanh chụp lấy tay Chi rồi kêu cứu, lập tức Chi lấy rựa trong quang gánh gần đó chém liên tiếp vào đầu bà đến chết rồi cướp lấy vàng tẩu thoát.
Tuy nhiên, vụ án xảy ra hơn 41 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, kết quả tra cứu trong toàn quốc và xác minh tại các địa phương nơi Trương Đình Chi đã cư trú không có tiền án, tiền sự và phạm tội mới.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và quyết định đình chỉ bị can đối với ông Võ Tê.
Sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra đã giao Trương Đình Chi cho em ruột và con trai ông Chi bảo lãnh tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thông báo cho Công an huyện Xuân Lộc biết để phối hợp quản lý.
Đối với ông Đỗ Thanh An, con ruột của bà Phan Thị Khanh, đại diện người bị hại yêu cầu bồi thường các khoản gồm: 6,5 tỷ đồng và 1,6 cây vàng 24 k. Theo công an, qua làm việc, gia đình ông Chi chỉ đồng ý bồi thường 150 triệu đồng. Do đó, nếu không thống nhất được yêu cầu bồi thường dân sự thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định.
Về vấn đề bồi thường cho gia đình ông Võ Tê, đại diên cơ quan tố tụng cho rằng, việc bồi thường trách nhiệm Nhà nước đối với oan sai, Cơ quan điều tra và VKSND hai cấp tỉnh, huyện sẽ cùng đại diện gia đình tiến hành giải quyết theo quy định.