Bà Nguyễn Thị Nho (60 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất bánh gai nổi tiếng ở làng Khóng cho hay, đây là nghề của cha ông truyền lại từ hàng chục năm trước, bà cũng như hơn 10 hộ dân trong làng là những người đang tiếp nối. Nghề này tuy vất vả, phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị, song mang lại thu nhập khá, tạo được công ăn việc làm cho một số lao động, bà Nho phấn khởi cho biết thêm.
Theo những người lám bánh có kinh nghiệm lâu năm, bánh gai ngon phụ thuộc vào tỉ lệ gia giảm, phụ liệu. Thông thường mỗi gia đình có một bí quyết làm bánh để tạo thương hiệu riêng. Tuy nhiên, cái cơ bản nhất, lúc nấu chín bánh phải có mùi thơm đặc trưng.
Để có được mùi thơm đặc trưng thì lá gai phải được phơi đủ nắng (2 nắng) rồi giã nhuyễn. Lá gai là yếu tố tạo nên màu đen đặc trưng của loại bánh này, lá sau khi phơi khô, xay nhuyễn, lớp bột lá gai còn lại sẽ dần ngả sang màu xám đen và toát lên mùi thơm của bánh.
Ngày nay, để nhanh và thuận tiện, bánh gai có thể được nấu bằng nồi điện. Tuy nhiên, bánh gai ở làng Khóng vẫn được nấu theo kiểu cách thủy truyền thống, người nấu sẽ đặt một cái vỉ hấp vào để ngăn cách giữa bánh và nước rồi nấu lên cho bánh chín bằng hơi.
Làm bánh gai phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc ngâm nếp, chuẩn bị lá chuối, dây buộc, nấu bánh... do đó cần khoảng 4 - 5 người, mỗi cá nhân sẽ phụ trách một việc.
Theo đó, lá gai và nếp được xay nhuyễn trộn với mật mía, rồi vo tròn lại cùng với nhân bánh. Nhân bánh gai được làm từ đỗ xanh đồ chín trộn với dừa.
Trong vòng một ngày, tùy vào số lượng nhân lực, trung bình mỗi hộ ở làng Khóng làm được khoảng 1.500 đến 2.000 chiếc bánh gai.
Khi bánh chín, hơi còn bốc nghi ngút, chủ nhà thường sắp xếp vào thùng xốp rồi đem đi nhập cho các cửa hàng ở trong huyện, tỉnh với giá 3.500 đồng - 4.000 đồng/chiếc.
Ngoài các cơ sở làm bánh, người dân ở làng Khóng còn trồng cây gai để tạo thu nhập, cứ hai tháng lá gai sẽ được thu hoạch một lần. Lá gai khi thu hoạch được phơi khô rồi đem bán cho các cơ sở làm bánh với giá 40.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết, vòng đời của cây gai có thể kéo dài 2 năm, sau đó sẽ thay thế trồng cây mới.
Ông Nghiêm Sỹ Đức - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết, nghề làm bánh gai ở làng Khóng đã có truyền thống từ lâu ở địa phương. Bánh gai làng Khóng có hương vị riêng, khác với bánh gai ở những vùng khác. Trước kia các hộ sản xuất đa số tự phát, vừa qua chúng tôi đã thành lập ra Hiệp hội bánh gai Đức Thọ với mục đích sản xuất quy củ hơn, và duy trì nghề lâu dài.
Tại huyện Đức Thọ, bánh gai được mua về bán lẻ ở dọc các tuyến đường, đặc biệt là dọc quốc lộ 8A, khu vực ga tàu Yên Trung và các cửa hàng tạp hóa. Ngày nay, người Hà Tĩnh luôn xem bánh gai làng Khóng là đặc sản, thường dùng trong các lễ ăn hỏi, hoặc mua làm quà biếu mỗi khi đi xa.