Chậm “lớn” vì... thiếu vốn
Báo cáo kinh tế vĩ mô triển vọng thị trường tháng 9/2017 của Ngân hàng HSBC cho thấy, sự bất cân xứng trong việc phân bổ nguồn vốn khi vốn tiếp tục được ưu tiên cho bất động sản, DN nhà nước. Báo cáo dẫn chứng những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận: DN nhà nước đang hấp thụ lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với DN nhỏ và vừa.
Cũng theo một cuộc khảo sát của WB về DN Việt Nam, chỉ 29% số DN nhỏ (từ 1- 20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, còn DN nhà nước và công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường. Do đó, việc phân bổ tín dụng không đều giữa các khu vực kinh tế nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Thực tế, thiếu vốn tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Theo chia sẻ của đại diện một công ty chuyên xuất khẩu hàng hoá, nguồn vốn lưu động của DN thường nằm rất lâu tại hệ thống phân phối nước ngoài. Thiếu vốn xoay vòng, nên DN buộc phải “gõ cửa” ngân hàng song rất khó tiếp cận vốn.
Thiếu tài sản bảo đảm cũng khiến DN khó được ngân hàng cho vay vốn. Điển hình như một công ty chuyên kinh doanh sản phẩm điện tử, điện lạnh. Dù hoạt động kinh doanh khá ổn định với lượng khách hàng đều đặn, nguồn hàng bảo đảm chất lượng, tuy nhiên, công ty này vẫn không thể mở rộng kinh doanh vì thiếu vốn (ngân hàng từ chối cho vay vì DN không đứng tên trực tiếp tài sản nào).
Phân tích nguyên nhân DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, đại diện Khối DN nhỏ và vừa của VPBank nhấn mạnh: DN khi tiếp cận ngân hàng thiếu tài sản bảo đảm; có dòng tiền, bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích luỹ. Ngoài ra, DN nhỏ và vừa không có hệ thống quản lý tài chính rõ ràng, không quản lý được dòng tiền khiến ngân hàng gặp khó khi áp dụng quy trình cho vay thông thường.
Nhiều gói tín dụng, nhưng DN vẫn “khát” vốn
Nhận rõ khó khăn của cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với các DN. Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi và nới lỏng các điều kiện vay vốn. Hiện một số ngân hàng như: ACB, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank, VPBank, ABBANK, ACB... đều đã có những hạng mục vốn cho DN nhỏ và vừa vay tín chấp. Cụ thể, PVcomBank tung gói ưu đãi vay ‘linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng” hạn mức 1.500 tỷ đồng.
Theo gói ưu đãi này, DN siêu nhỏ tham gia được hưởng lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có gói tín dụng “Đồng hành cùng DN siêu nhỏ” với lãi suất chỉ từ 6,8%/năm áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng xây dựng cơ chế chính sách với 3 hình thức cấp tín dụng cơ bản cho DN nhỏ và vừa bao gồm: cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm; cấp tín dụng có một phần tài sản đảm bảo; cấp tín dụng có tài sản đảm bảo.
Mặc dù khá nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng ưu đãi vượt trội, thủ tục đơn giản, song DN nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng với nhiều lý do khác nhau. Chính vì không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên DN tìm đến tín dụng đen nhiều hơn. Theo số liệu khảo sát được công bố tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam mới đây, qua khảo sát trên 2.600 DN nhỏ và vừa thì có 70% DN tìm đến tín dụng đen để đầu tư sản xuất. Đây chính là “nút thắt” đang cản trở DN nhỏ và vừa phát triển.
Ánh Nguyệt
Hiện cả nước có khoảng 700.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm gần 98%. Các DN nhỏ và vừa đang sử dụng 50% lao động, đóng góp hơn 40% GDP. Dù luôn nỗ lực tăng gia sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có 30 - 40% DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.