Động lực quan trọng
Thực tiễn 20 năm qua đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò, động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để thực hiện đổi mới sáng tạo, chúng ta phải hiểu đúng về khái niệm này, từ đó mới xây dựng chiến lược cho mục tiêu đổi mới sáng tạo quốc gia và doanh nghiệp. Như chúng ta biết, “đổi mới sáng tạo” là Innovation, chữ này được kết hợp bởi 3 từ: Invention (phát minh), Commercialization (thương mại hóa) và Diffusion (khuếch tán, lan truyền). Chính đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển doanh nghiệp và tạo ra sự khác biệt trên thương trường, giúp chúng ta không tụt hậu cả ở quy mô quốc gia cũng như doanh nghiệp trong nước - tế bào của nền kinh tế.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của kết nối vạn vật, do vậy công nghệ thay đổi quá nhanh, một ngày bằng vài năm, một năm bằng vài chục năm. Không thay đổi, không đổi mới chúng ta không thể cạnh tranh được, dẫn đến mất thị trường là điều đương nhiên. Elon Musk chỉ dùng 1 tên lửa đẩy đã phóng được 143 vệ tinh, lại còn thu hồi được 1 tầng tên lửa để tái sử dụng. Một hai năm trước ai nghĩ được như vậy. Từ 1 tên lửa chỉ phóng được 1 vệ tinh, rồi vài vệ tinh, nay là 143 vệ tinh một lúc. Làm sao có thể cạnh tranh được với SpaceX nếu không đổi mới sáng tạo và nếu không đổi mới sáng tạo thì cũng không thể có SpaceX.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và khu vực, do vậy đổi mới sẽ giúp chúng ta bắt kịp với sự phát triển của thế giới. Thời cơ đã đến và cộng đồng doanh nghiệp không còn con đường nào khác là phải đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các tập đoàn đa quốc gia đều hoạt động dựa trên đổi mới sáng tạo.
Đâu là thách thức?
Những năm gần đây, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và hiện ở vị trí 45/126 nền kinh tế, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu như trước đây, 70% đầu tư cho khoa học công nghệ là từ ngân sách nhà nước, 30% từ doanh nghiệp, thì nay là 50/50. Nguồn vốn bao giờ cũng là khâu khó khăn nhưng khó nhất vẫn là thể chế, khung khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo.
Trong đổi mới sáng tạo, tỷ lệ rủi ro thất bại rất cao, thành công rất ít. Có khi nghiên cứu cả chục năm rồi đi vào bế tắc, ngõ cụt và tất cả của cải đổ ra sông biển hết. Nhưng nếu thành công thì giá trị công ty, giá trị giải pháp có thể tăng hàng nghìn, hàng triệu lần. Nhà nước có chấp nhận đồng hành với doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo bằng cách chia sẻ chi phí, chấp nhận rủi ro mất vốn, mất thuế, tách biệt được đâu là “cố ý làm trái”, với rủi ro nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng công nghệ không? Cần có một khung khổ pháp lý để người người, nhà nhà thực sự “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Khó khăn rất lớn tiếp theo chính là nguồn nhân lực. Chúng ta phải có đủ nguồn lực chất lượng cao cung cấp cho doanh nghiệp để tiếp nhận và vận hành trong suốt quá trình xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu lực lượng này, chúng ta không thể thúc đẩy nhanh việc đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến quốc gia được.
Để đổi mới sáng tạo phát huy hiệu quả cao nhất, việc đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, hoàn chỉnh từ thế chế, vốn, đất đai, thủ tục hành chính và chiến lược thu hút nhân tài... Chủ trương chính sách của Đảng đã rất rõ nhưng chậm được thể chế hóa và thực hiện lại càng kém, đặc biệt càng xuống dưới thì càng rơi rớt, xa rời thực tế, bị các hành động vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Điều đó sẽ làm triệt tiêu mọi ý tưởng, làm nản lòng các nhà đầu tư.
Cởi trói cho doanh nghiệp
Về giải pháp và chiến lược để đổi mới sáng tạo thực sự góp phần phát triển kinh tế Việt Nam, chỉ có cởi trói cho doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn xã hội thì mới làm được. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp. Ngân sách cần cho quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nhiều mục tiêu quốc gia khác. Nhà nước không thể đi vay mãi để đầu tư và bảo hộ cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.
Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến xây dựng “chiến lược tạo ra sự giàu có” trong một nền kinh tế mới bằng chính thế mạnh của doanh nghiệp trong nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhân tài của đất nước rất nhiều. Điều còn lại chính là liên kết các nguồn nhân lực, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng chung tay xây dựng đất nước.
Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng “Trung tâm trải nghiệm số” để doanh nghiệp trong nước có môi trường học hỏi kinh nghiệm của các nước đã thành công trên thế giới và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tại Trung tâm này sẽ có nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ trải nghiệm thực tiễn việc vận hành nhà máy số, đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, mô phỏng và đánh giá chất lượng sản phẩm trong chuỗi sản xuất cung ứng của mình và nhiều mô hình doanh nghiệp phát triển công nghệ trên thế giới. Đây cũng là nơi doanh nghiệp trong nước học hỏi, trau dồi kinh nghiệm xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo.
Môi trường đổi mới sáng tạo là quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác như thương hiệu, thị trường, truyền thống, nền tảng công nghệ, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển. Việt Nam đang dần tạo ra môi trường cho việc đổi mới sáng tạo. Do vậy trong năm qua đã xuất hiện sự hợp tác của các doanh nghiệp tiên phong về công nghệ, đổi mới sáng tạo trên thế giới và các trường đại học để xây dựng những mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới vào đào tạo kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao phục vụ xã hội.
Doanh nghiệp không còn con đường nào khác để đi tới đích ngoài đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam thành đại bàng cất cánh bay lên, vươn ra thế giới.