Xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên là địa phương còn khá nhiều diện tích đất nông nghiệp. Theo quy định, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào mục đích phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng…Tuy nhiên, theo ghi nhận của Phóng viên, con đường đi vào thôn 15 xã Ngũ Lão (trước đây là thôn 7), khu vực thôn My Đông, thôn Trung Sơn, dọc hai bên trục đường đi vào nhà máy nước Ngũ Lão, rất nhiều diện tích đất trồng lúa đã bị san lấp, phân lô để bán cho những người có nhu cầu lập mộ phần riêng của gia đình.
Theo thông tin của người dân tại đây, người mua sẽ trực tiếp làm việc, giao dịch, mặc cả giá mua bán với chủ đất và chỉ mua bán tại những phần ruộng gần sát nghĩa trang vì như vậy sẽ dễ dàng cho việc “hợp thức hóa” phần đất này. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, địa điểm, người bán và người mua chỉ cần thông báo đến thôn trưởng rồi thông qua xã thì coi như việc mua bán, biến đất ruộng thành nơi an táng đã xong.
Đáng chú ý, không chỉ người dân địa phương có nhu cầu mua đất nông nghiệp để làm nơi an táng, còn có cả những người từ nơi khác đến hỏi mua khiến giá cả của những thửa ruộng này tăng cao. Người dân cho biết, 1 sào đất ruộng bình thường nếu “rơi” vào dự án chỉ được Nhà nước hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng, nhưng nếu bán làm nghĩa trang thì giá có thể đạt mức 350 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, giá đất còn được tính theo mét vuông/phần mộ. Nhu cầu mua đất tăng cao khiến một số hộ dân cho đất ruộng gần nghĩa trang đã san lấp, quây lại chờ bán khi được giá. “Gia đình tôi có hơn 1 sào đất ruộng ngay sát gần nghĩa trang, nhiều người đến đặt vấn đề mua lại nhưng tôi không bán” – một người dân cho hay.
Điều đáng nói, việc các thửa ruộng biến thành đất nghĩa trang, chôn cất người mất ngay sát bên nhà máy nước Ngũ Lão gần sông Giá. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước ngọt chính cho người dân. Đồng thời, toàn nghĩa trang không có nguồn nước phục vụ riêng, chủ yếu lấy nước và thải nước hung táng ra mương thoát nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.
Qua trao đổi với đại diện cán bộ địa chính xã và theo Sổ mục kê ruộng đất năm 1986 của xã Ngũ Lão, toàn bộ diện tích đất nêu trên đều là đất nông nghiệp.
Đại diện chính quyền xã Ngũ Lão cho biết, việc một số hộ dân tự ý san lấp đất nông nghiệp để làm nghĩa trang là “vấn đề lịch sử để lại”, đó là việc đã rồi. Xã sẽ kiểm tra xem diện tích đất ruộng nêu trên là của ai và mọi việc đều phải theo quy trình. Ngoài ra, việc biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang này liên quan đến vấn đề tâm linh, xử lý là rất khó và cần thời gian.
Tuy nhiên, việc người dân tự ý mua bán đất ruộng làm đất nghĩa trang đã diễn ra trong một thời gian dài, liệu chính quyền xã Ngũ Lão có “làm ngơ”, hay buông lỏng quản lý cho các sai phạm này ngang nhiên diễn ra?