Hàng trăm xuất quà đã được gửi tận tay bà con vùng lũ
Thời gian là ưu tiên số 1
Ngay sau trận mưa lớn kéo dài vừa dứt, các đoàn từ thiện đã xếp hàng lên xe, tôi cũng góp xin góp mặt. Nhóm Bán giỏi và Mua khéo thành lập tháng 20/8/2017, với một fanpage cùng tên trên mạng xã hội facebook, gồm hơn 4.000 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, nhóm xây dựng quỹ và đặt ra quy định, mỗi tháng sẽ trích một số tiền nhất định để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn. Trong hai tháng vừa qua, nhóm đã có 4 đợt làm từ thiện và theo kế hoạch thì điều kiện của quỹ chỉ cho phép một lần. Tuy nhiên, quy định đã bị thay đổi khi cơn lũ ập tới mà không mất nhiều thời gian để thống nhất ý kiến.
Chị Kim Thùy, Trưởng nhóm Bán giỏi và Mua khéo ở Hà Nội là một phụ nữ trẻ, ngoài 30, năng nổ. 3h sáng, gặp chị ở điểm bốc hàng lên xe ô tô, vì thời gian gấp rút, hàng nhiều, người bốc ít, lại đa phần phụ nữ, thế nên cả trưởng đoàn, phó đoàn loay hoay xếp bốc ai cũng như ai. Cho đến khi bác tài nổ máy, vị trí ngồi trong xe đã ổn định, giọng người trưởng nhóm mới cất lên thông báo lần cuối về kế hoạch đi, địa điểm đến qua những chú ý cần ghi nhớ.
Những thùng hàng được chuyền tay nhau đưa lên phà từ sáng sớm
Chị Thùy cho biết: “Sự chuẩn bị cho chuyến chỉ có vỏn vẹn hai ngày, vừa kêu gọi tiền, vừa gom hàng hóa và đóng gói. Nhóm đa phần là phụ nữ, chị em trong nhóm ủng hộ rất nhiệt tình chuyến đi, họ gọi điện đóng góp thêm nhưng chúng tôi phải lên đường sớm vì bà con ở vùng lũ chắc đang bị đói lắm”.
Điều chị Thùy băn khoăn: “Mình rất muốn đến trao tận tay gia đình bị thiệt hại nhất, nhưng sẽ không đủ thời gian vì lịch trình chuyến đi xa quá, lại đi nhiều điểm. Còn nếu liên hệ với chính quyền trước thì sẽ dễ hơn, nhưng lại phải chờ đợi mất thời gian và cũng không biết quà có đến được tay người cần không! Thêm nữa, điểm đến hôm nay muốn liên lạc với chính quyền trước cũng e là rất khó, vì điện thoại trong vùng núi cao không điện, không sóng thì chịu”.
Giống như nhóm của chị Thùy, nhóm làm đẹp thuộc hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp tỉnh Thanh Hóa do Chủ tịch Dương Thị Hằng Tám làm trưởng đoàn, cũng vỡ kế hoạch một cách... đáng hoan nghênh. Ngay khi ký duyệt quyết định, chị đã đốc thúc nhân viên đặt mua gạo, mì tôm, sách vở, dầu ăn và sáng sớm hôm sau lên đường.
Suối Nánh - cửa chết
Điểm đến của nhóm là khu vực Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình, nơi có nhiều thôn bản bị lũ quét tàn phá rất nặng nề. Từ Hà Nội, muốn đến được Đà Bắc buộc phải qua hai lần phương tiện. Đi xe ô tô từ dưới Hà Nội lên thủy điện Hòa Bình, rồi từ đây đi bằng phà ngược sông Đà 70 km.
Phà rộng, nhiều đoàn từ thiện đi ghép đôi để giảm chi phí, đoàn của chị Thùy ghép với đoàn của Thu ở Nhóm thiện nguyện Ánh Dương (Lương Sơn, Hòa Bình). Tầng dưới của phà hàng chất đầy khoang, tầng trên hai đoàn trải chiếu ngồi giao lưu trong suốt chuyến đi.
Những thùng hàng được chuyền tay nhau đưa lên phà từ sáng sớm
Xã Suối Nánh là điểm cập phà đầu tiên, nơi phà đậu là cửa Nánh-“cửa chết”. Người dân cho biết, đây vốn là một cửa sông sâu 30m, nhưng mưa lũ cuốn đất đá từ trên đỉnh núi đổ xuống đã san bằng. Tàn tích còn lại đầy tang thương, 4 nạn nhân đoán là đã bị vùi lấp trong những khối đất đá lạnh lùng này. Nước cuốn theo đất đá, nhà cửa, cột kèo, lợn gà ngổn ngang. Một chiếc thuyền bị cắm sâu 9m, chỉ nhô lên một cái mũi nhỏ xíu giữa bãi đá. Người nhà của các nạn nhân ngồi vật vờ bên những bát nhang lảng bảng khói, một vài người khác cầm cành củi khô lếch thếch gạt lá, gạt rễ cây, hay bất cứ thứ gì mà họ cho là đang che lấp mất người thân của họ phía dưới. Họ cứ ngồi, cứ tìm kiếm với hy vọng ngày càng ít dần…
Anh Đinh Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã, đại diện chính quyền xã Suối Nánh tiếp nhận hàng cứu trợ của các đoàn từ thiện. Anh Sơn chia sẻ: “Cả xã Suối Nánh có tổng 200 hộ dân, gồm 5 thôn, xóm Ruốc là thôn hẻo lánh nhất và hiện đang bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Từ hôm qua các đoàn từ thiện đến, nhưng vẫn chưa có cách nào vào sâu được trong xóm, chúng tôi vẫn đang tìm cách chuyển hàng dần từng ít một cho bà con”.
Xóm Ruốc cách chỗ cập phà 6km, nhưng đường vào vùi lấp bởi đất đá, những cây cầu đã bị phá hủy hoàn toàn. 20 người dân trong xóm ngỡ đã bị vùi lấp trong lũ dữ, rất may sau đó có tin báo họ đã thoát chết một cách thần kỳ.
30 xuất quà gồm gạo, mì tôm, muối, được chuyền tay nhau từ phà lên bờ để đoàn thanh niên vận chuyển lên sân UBND xã. “Quà sẽ được chia thành các phần, đại diện hộ gia đình sẽ đến nhận”, anh Sơn cho biết.
Nhiều phần quà đã được trao nằm ngoài danh sách suốt dọc chuyến đi, trao cho bất kỳ người dân nào đến gần phà. “Tuy họ không mất nhà cửa nhưng hoa màu cũng chẳng còn gì, chúng ta phải giúp hết, hơn nữa, người này có, người kia không có thì tội lắm”, chị Thu dặn các thành viên trong đoàn.
Nhóm làm đẹp của chị Tám lại thuận lợi về đường đi hơn, đó là một xã ngoài đê sông Chu ngoại thành thành phố Thanh Hóa. Nơi đây, bà con bị nhấn chìm hết của cải khi nước dâng lên ngập mái nhà.
Chúng con đã mang lửa đến
Dự đoán lương thực, vật dụng cần thiết mà bà con cần sau lũ, gồm gạo, mì tôm, muối, nước mắm, cá khô, dầu ăn, sữa, nước uống (thùng nước nặng nên ít đoàn mang được); đến vật dụng như chăn màn, quần áo, sách vở, thuốc men… Lần đầu tiên bật lửa được mang đi vào vùng lũ, một sự chuẩn bị khá chu đáo của nhóm Bán giỏi và Mua khéo Hà Nội.
Những giờ lênh đênh sông nước, những con đường sập sệ đất đá, cảnh tan hoang nhà cửa, những gương mặt thất thần sau lũ dữ… cuộn vào cảm xúc mới mẻ của đa phần các thành viên trong đoàn từ thiện, vốn xưa nay được sống trong vùng an toàn của thiên tai.
Bà Thanh 62 tuổi, một thành viên lớn tuổi nhất đoàn khá vui tính, nhìn những đỉnh núi phía trước mũi phà, bất chợt phán: “Núi cũng đầy vết sẹo như đầu của một kẻ giang hồ”. “Vết sẹo” mà bà so sánh ở đây là các khe rãnh xói lở màu vàng ối hiện ra giữa lùm xanh của cây cối. Lại suy ra cái đầu của lâm tặc chuyên phá rừng trụi húi, nên lũ dữ mới ập về hại bà con như thế.
Vũ Dung, thành viên nhanh nhẹ của đoàn thì sợ nhất con đường men dưới vách đá, ngửa mặt lên toàn đá, chỉ chực rơi xuống đầu, còn dưới chân thì nước kêu rống lên như hùm.
Chị Kim Thùy, trưởng đoàn có chiều cao hơi khiêm tốn, khi vác gạo qua suối đã … suýt khóc, vì suối nhìn cạn mà lội qua lại sâu thế.
Khó tả nhất vẫn là lúc vào thăm gia đình của một nạn nhân bị lũ cuốn mất tích. Ngôi nhà sàn trống trơn, không một vật dụng gì ngoài bộ khung gỗ lạnh lẽo. Chưa thấy người, chỉ nghe tiếng khóc thút thít dưới góc bếp. Người phụ nữ Thái trạc 40 tuổi, đờ đẫn, vô hồn, khóc đứa con trai duy nhất bị lũ cuốn khi đi lái xe thuê trên nương rẫy.
Chị gái của người phụ nữ này chạy đến, ôm chầm lấy chúng tôi khóc nức nở: “Cháu nó mới 22 tuổi, vừa học xong bằng lái ô tô, nó là trụ cột kinh tế của gia đình, sẽ cưới vợ sinh con cho đầm ấp cửa nhà, thế mà cơn lũ vừa qua đã cuốn cả người lẫn xe mất tích, vẫn chưa tìm được cháu”.
Nhiều người trong đoàn cũng bật khóc, trưởng đoàn nghẹn giọng chỉ đạo, ưu tiên nhiều nhất phần quà hỗ trợ cho gia đình. Nhiều bao tải gạo và thùng mì tôm, mắm, muối đã được xếp đầy một góc nhà, một triệu đồng tiền mặt cũng được trao để chị mua thêm vật dụng cần thiết.
Nhóm Làm đẹp thì lại không phải trải qua địa hình phức tạp núi đá, nhưng các chị lại có câu chuyện chạy lũ của bà con ngoài đê sông Chu: Có cụ ông 86 tuổi, phải bơi trong nước cả đêm đến tức ngực, cụ sinh 9 người con nhưng không ai bên cụ trong đêm ấy; có gia đình khóc thương tiếc cả bầy chó 15 con bị lũ cuốn trôi; có cô bé học cấp II ôm vội chồng sách, cứu khỏi nước lũ thì bị đàn kiến vỡ tổ bò ra cắn mắt, môi sưng húp mà vẫn quyết không bỏ sách…
Có nhiều câu chuyện xúc động mà “Chỉ đi mới biết”, của các thành viên trong đoàn. Bà Thanh nhắc lại kỷ niệm: “Lỡ tay phát mất thùng mì cuối cùng, thành ra cả đoàn nhịn đói giữa rừng không mông quạnh, chả lẽ xin lại bà con ăn ké thùng mì…”, rồi cười tếu táo. Còn chị Thu lại trầm ngâm đọc đôi câu thơ, là tiền đề bài thơ “Thương lắm Hòa Bình ơi!”, ra đời sau chuyến đi:
“Còn đâu Đà Bắc yêu thương
Còn đâu Đà Bắc tỏa hương khói chiều
Còn đâu Đà Bắc mĩ miều
Còn đâu câu hát sớm chiều nên nương
Còn đâu câu hát ru dương …
Lương Sơn chi có oán thù
Trời mang mưa lũ cuốn vùi sạt trôi”
Tâm Lê