Tết còn hơn một tháng nữa, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn yên ả như những ngày bình thường. Bên sông Hương, một số nông dân đang làm việc dưới mưa phùn. Nhưng đến đầu làng thì quang cảnh khác hẳn. Những ngôi nhà thấp thoáng sau hàng dậu rực rỡ lên với vô vàn loài hoa khoe sắc, đến gần mới nhận ra hoa... giấy. Làng Thanh Tiên chỉ vỏn vẹn 83 mẫu ruộng, vậy mà không ngôi làng thuần nông nào đón Tết “rực rỡ ” như nơi này.
Thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, làng Thanh Tiên nằm bên tả ngạn sông Hương đối diện phố cổ Bao Vinh và cảng Thanh Hà. Đây là làng nghề làm hoa giấy truyền thống. Theo sách “Dư địa chí Thừa Thiên Huế”: những bậc tiền bối khai khẩn làng này có gốc gác từ Sơn Tây, Nam tiến theo Chúa Nguyễn. Nguyên thủy, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, giờ chưa ai biết nghề làm hoa giấy bắt đầu từ khi nào, học với ai.
Có người suy đoán do địa thế của làng hàng năm bị ngập lụt, thấy các làng xung quanh trồng hoa tươi bán Tết, dân Thanh Tiên đã nghĩ cách làm ra hoa “giấy”. Thấy hoa giấy cũng đẹp người ta mua, Thanh Tiên từ đó có nghề làm hoa giấy bán Tết. Từ thế kỷ XVI (trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí), cứ tháng Chạp, trên những con đường dẫn vào làng, trời vừa mờ sáng, từng đoàn người chở hoa đi bán rong. Ở Huế thấy hoa giấy Thanh Tiên là biết Tết cận kề. Qua hàng trăm cái Tết, hoa giấy Thanh Tiên đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Huế.
Nghệ nhân, hoạ sĩ Thân Văn Huy cho biết, hoa giấy rẻ, mỗi cặp khoảng chục ngàn đồng. Để làm ra những cánh hoa ấy, người Thanh Tiên phải chuẩn bị các công đoạn từ mùa hè. Tháng 9 đến tháng 10 (âm lịch) các nghệ nhân bắt đầu soạn ra những khúc tre tốt đem chẻ nhỏ, vót mỏng làm cuống hoa. Những cành hoa, cuống hoa được phơi nắng trong mấy tháng mùa thu, sau đó tẩm màu. Phẩm màu được chiết xuất từ các loại cây cỏ trong làng, tạo nên sắc màu đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh Tiên. Giấy màu làm hoa cũng do những người thợ tự nhuộm, mỗi gia đình có cách nhuộm riêng. Hoa giấy đều làm thủ công các công đoạn vót cành, cắt cánh hoa, nhụy hoa… họ sử dụng những chiếc đục có nhiều khuôn hình khác nhau, xếp các mẫu đài hoa, búp hoa, cánh hoa chồng lên nhau chắn đục theo ý mình.
Hoa giấy cũng đủ loại, hoa mai, sen, hồng, đồng tiền, cúc, thược dược, thủy tiên… để đáp ứng sở thích người tiêu dùng. Cái khó nhất của hoa giấy là phải giống như hoa thật, cũng có cành, lá, búp, nhị uốn éo mềm mại. Giờ đây nghề làm hoa giấy đã đạt đến mức tinh xảo và nghệ thuật. Nghệ nhân Đinh Hữu Lợi năm nay 75 tuổi, khoe với tôi, hoa giấy bắt chước hoa thật, cũng đủ loại hoa, khó là phải làm cho đẹp mặn mà, đằm thắm mà những “hàng mã” hay hoa Trung Quốc không bắt chước được.
Các hộ làm hoa giấy cho biết: “mỗi vụ Tết, bán được khoảng 2.500 - 3.000 cặp. Những cái Tết gần đây, hoa giấy được tiêu thụ nhiều hơn, riêng hoa sen giấy được ưa thích hỏi mua quanh năm”.
Hiện nay cả làng còn khoảng 100 hộ gia đình chuyên làm hoa giấy Tết. Việc hoa giấy Thanh Tiên được dùng để trang hoàng trên bàn thờ ngày Tết, trong nhiều gia đình ở Huế là một phong vị đặc biệt không nơi nào có...
Trải qua năm thế kỷ, không tàn lụi mà phát triển rực rỡ như ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên làm nên một nét đặc trưng riêng có của văn hóa Tết tại Huế.