Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (mặc áo vét xám) tham quan và dùng thử sản phẩm
Tham quan và dùng thử sản phẩm, thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng và đoàn đi theo đã không ngớt lời khen ngợi về sản phẩm giò me (bê) của Đức Tuấn. Ông Ngô Quang Trung- Cục phó Cục Công thương địa phương tấm tắc: Đúng là ngon thật. Không chê vào đâu được!
Xem sản phẩm và thưởng thức sản phẩm “Giò me Đức Tuấn” người ta cứ ngỡ chủ nhân phải là một cụ già, có truyền thống lâu năm trong nghề…Nhưng thật bất ngờ, khi chúng tôi biết “ông chủ” là một chàng trai đang còn vẻ thư sinh, chưa bước qua tuổi 30.
Anh Phạm Đức Tuấn- chàng trai Xứ Nghệ
Nói chuyện với chúng tôi, với giọng rặt chất Xứ Nghệ, Tuấn cho biết, anh quê Nam Đàn, Nghệ An. Cách đây 8 năm, sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhiều nơi mời chào làm việc nhưng anh chọn con đường … trở về quê hương. Trở về nơi nuôi anh lớn, làng quê có món nhút, tương bần nổi tiếng.
Anh tâm sự “Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Đàn nên tôi cũng muốn khởi nghiệp, đứng lên tại đây. Quê hương Nam Đàn đã nuôi tôi lớn, tại đây có rất nhiều đặc sản, phải tìm cách đưa những đặc sản này nhân rộng ra cả nước và cả nước ngoài”
Khi được hỏi, trong vô vàn đặc sản của quê Nam Đàn, tại sao anh lại chọn sản phẩm “con me”. Tuấn thật thà cho biết: Nghệ An quê tôi nổi tiếng món me tức là bê thui. Tôi nghĩ, bê thui chưa phải là tất cả, Huế có chả lụa làm từ thịt lợn, miền bắc nức tiếng món chả giò, chả tôm… thì sao từ con me (bê) quê mình, lại không biến thành “giò bê”. Món ăn không quá cầu kỳ mà còn làm sản phẩm quà lưu niệm, tặng, cho, ký gởi…
Nói là làm, từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu bố mẹ hỗ trợ, Tuấn mạnh dạn vay thêm vốn; ra Bắc, vào Nam học hỏi kinh nghiệm…, rồi quyết định lập nghiệp từ món “Giò Me”
Đức Tuấn không ngại ngần chia sẻ “bí quyết”. Qua những chuyến đi, anh cho rằng “bài học ban đầu của khởi nghiệp là chất lượng và giá cả”. Thế là từ nguyên liệu chính để làm giò bê (me) là thịt bê (me) và khoảng 10 gia vị được ướp tẩm qua các công đoạn. Sau đó được đóng gói, hấp cách thủy, để nguội và khâu cuối cùng là bảo quản trong tủ đá để cấp đông….
Tuấn cho biết thêm, ngày đầu tiên tung món giò me (bê) ra thị trường, dù chỉ khoảng hơn tạ thịt nguyên liệu nhưng anh rất lo không biết người tiêu dùng liệu có chấp nhận không. Nhưng điều không ngờ, tất cả đều hết vèo chỉ trong vòng một ngày…Đồng thời qua ý kiến của khách hàng anh đã không ngừng rút kinh nghiệm…
Anh chú trọng mẫu mã, xây dựng thương hiệu, đóng gói trọng lượng khác nhau (500gr và 1 kg); giữ vững hương vị đặc trưng truyền thống và tiêu chí "3 không": Không chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia và luôn bảo đảm VSATTP...
Để tạo niềm tin cho khách hàng, “giò me (bê) Đức Tuấn” đã đăng ký chất lượng sản phẩm, chất lượng vệ sinh…, được Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm" được công nhận “Đạt yêu cầu về kiến thức an toàn thực phẩm và đủ điều kiện an toàn thực phẩm"
8 năm trôi qua, thương hiệu “Giò Me Đức Tuấn” đã bay xa. Từ đồng đất Nam Đàn, Nghệ An, bây giờ “Giò me Đức Tuấn" đã có mặt hầu hết các tình thành lớn trong cả nước. Mấy năm đầu chật vật chỉ vài ba tấn/năm thì bây giờ xưởng “Giò Me Đức Tuấn” ở Số 3, ngõ 219 - Khối Xuân Khoa - Thị trấn Nam Đàn - Huyện Nam Đàn - Nghệ An, nhân viên làm không ngớt tay, tháng tết còn làm cả vào ban đêm, sản lượng tiêu thụ hơn 1000 tân/năm
Chia tay anh trên mảnh đất Gia Lai, tôi nhớ mãi nụ cười hồn hậu và giọng nói đậm chất xứ Nghệ của Tuấn. Tôi mong muốn chàng trai xứ Nghệ sẽ thành công hơn nữa trên con đường lập nghiệp của mình. Đúng như Tuấn nói, thành công bắt đầu từ việc chọn con đường khởi nghiệp và Đức Tuấn đã chọn đúng, đã góp công đưa thương hiệu “Giò me (bê) Đức Tuấn” của quê hương Nam Đàn vượt lũy tre làng đến với người tiêu dung cả nước và quốc tế….
Theo Trần Minh Tích/THCL